top of page

Hội thảo khoa học Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội

Ngày 18/7 vừa qua, hội thảo Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội đã diễn dưới sự phối hợp của Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội và BK-Holdings tại Không gian Sáng tạo và khởi nghiệp BKHUP (tầng 3, nhà A17, số 17 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hội thảo vinh dự chào đón sự tham gia của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam, Phó cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Hoa Cương, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN - Bộ Khoa học & Công nghệ Phạm Hồng Quất, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội GS.TS Đinh Văn Phong, Tổng giám đốc BK-Holdings Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội Chu Nguyên Thành cùng các đại diện các trường đại học, các quỹ đầu tư và các trung tâm ươm tạo trong và ngoài trường đại học, các nhà đầu tư, cố vấn khởi nghiệp trong mạng lưới cố vấn, các startup trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

ĐMST3.jpg

Ông Nguyễn Trung Dũng phát biểu trong hội thảo

Trình bày tại hội thảo, ông Phạm Hồng Quất trao đổi về thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam nói chung, khi phong trào khởi nghiệp đang được đẩy mạnh, hoạt động đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực đều phát triển, cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước, các Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị, các tổ chức và cá nhân về chính sách, nhân lực và vật lực. Ông Phạm Hông Quất cũng đưa ra thông tin về tình hình thực tế triển khai các đề án, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trên địa bạn Hà Nội, giới thiệu các mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp thành công trên thế giới. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Lê Văn Quân cũng cho biết theo thống kê, trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm Hà Nội có khoảng trên 20.000 DN thành lập mới. Lũy kế số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn TP đến hết tháng 6/2018 là trên 250.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số DN khởi nghiệp thành công và DN khởi nghiệp sáng tạo, gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 0,1% trong tổng số các doanh nghiệp khởi nghiệp).

Đến với hội thảo, ông Nguyễn Trung Dũng trình bày về kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Ông chia sẻ, hiện tại khởi nghiệp ở Việt Nam đang tập trung nhiều vào startup mà quên mất để khởi nghiệp sáng tạo thành công thì phải dựa trên nền tảng vững chắc của Đổi mới - Sáng tạo. Dưa trên các mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp thành công trên thế giới, ông cũng phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội một cách chuyên sâu dựa trên kinh nghiệm của một Đại sứ Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Thế giới (WIF 2018); từ đó đưa ra được những gợi ý về giải pháp xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Hà Nội. Đặc biệt, mô hình “công viên khoa học” (science park) là một giải pháp có thể giúp kết nối giữa chính quyền, các trường đại học và các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc nghiên cứu, chuyển giao, khai thác công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm tri thức. Đây là mô hình đã được áp dụng và rất thành công tại các quốc gia như Israel, Singapore, Canada, Thụy Sĩ... 

37575221_1786062428147248_43199406925802

Toàn cảnh buổi hội thảo

Về các nhà đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, hiện nay cả nước có khoảng 40 quỹ đầu tư, chủ yếu là các quỹ đầu tư ngoại như IDG Ventures Vietnam (Mỹ), CyberAgent Ventures (Nhật), Vina Capital (Anh)… đã mở văn phòng đại diện hoặc có đối tác tại Việt Nam. Các quỹ này chủ yếu đầu tư vào các dự án dịch vụ trực tuyến đựa trên internet và điện thoại thông minh như giải trí, truyền thông, tìm kiếm… Các quỹ đầu tư trong nước, tiên phong là FPT Ventures hoạt động với tư cách là nhà đầu tư và là nơi ươm mầm cho các DN khởi nghiệp bằng cách cung cấp vốn mồi, kỹ năng công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo chưa thực sự ổn định và thiếu bền vững.

37610768_1786063954813762_77853467677336

Các khách mời trả lời câu hỏi và thắc mắc

Để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội giao sở Kế hoạch đầu tư chủ trì phối hợp với các sở ngành nghiên cứu đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Các giải pháp được xác định là: (1) Tăng cường đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; (2) Phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (3) Phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; (4) Thúc đẩy hoạt động liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; (5) Nghiên cứu hình thành công viên khoa học khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố; (6) Thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; (7) Bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo. 

37530111_1786062448147246_84686492166866

Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa 11 đơn vị

Hội thảo còn đánh dấu lễ kí kết thỏa thuận hợp tác nhằm kết nối và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội giữa 11 đơn vị Sở KH&ĐT Hà Nội; Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN); Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQG Hà Nội); Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings); Vietnam Silicon Valley Acelerator (VSVA); Công ty khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - VIISA; Trung tâm ươm tạo DN công nghệ cao; Vườn ươm DN CNTT và đổi mới sáng tạo; Công ty Cổ phần phát triển UP; Báo Kinh tế & Đô thị; Trung tâm Nông nghiệp đổi mới sáng tạo Miền Bắc - InnoAgro.


Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa phối hợp với các đơn vị trong mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo triển khai các nội dung hợp tác trong bản ghi nhớ.

37384284_1786062054813952_54089600373746

Đại diện 11 đơn vị chụp ảnh kỷ niệm

bottom of page